Sự chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và các phương pháp vận hành tinh gọn không chỉ làm tăng chi phí vận hành mà còn khiến doanh nghiệp mất dần lợi thế cạnh tranh.

John&Partners: Hơn 85% doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn chưa có khái niệm về phương pháp và công cụ quản trị vận hành - Ảnh 1.

Từ nỗi đau của các doanh nghiệp Việt…

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đang trải qua những nỗi đau sâu sắc trong quản trị vận hành. Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là việc làm sao thích ứng với công nghệ thay đổi chóng mặt và cập nhật tư duy quản trị hiện đại. Sự chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và các phương pháp vận hành tinh gọn không chỉ làm tăng chi phí vận hành mà còn khiến doanh nghiệp mất dần lợi thế cạnh tranh.

Theo thống kê riêng của John&Partners, có hơn 85% doanh nghiệp hoàn toàn chưa có khái niệm về phương pháp và công cụ quản trị vận hành. Con số này nằm xa dưới mức tiêu chuẩn của các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ (ASQ) với chỉ 0,3% chưa có khái niệm về các công cụ quản trị vận hành. Điều này phản ánh trình độ phát triển về năng lực quản trị của chúng ta vẫn còn thua xa các nước phát triển.

Một con số khác cũng đáng để chúng ta suy ngẫm là con số chuyên gia người Việt Nam tham gia vào các hoạt động của ASQ, Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ (tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất và uy tín nhất về vận hành xuất sắc) chỉ có vài ba người so với con số hàng ngàn chuyên gia của quốc gia lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ… Đây là minh chứng cho sự quan tâm đến tối ưu hóa vận hành của các quốc gia bạn đã phát triển khá xa chúng ta.

Lãng phí cao, hàng tồn kho nhiều, tỷ trọng hàng lỗi cao, tỷ trọng sản phẩm phải chỉnh sửa cao, quy trình vừa rườm rà vừa lỏng lẻo, chất lượng đầu ra không đồng đều… là những biểu hiện của việc chưa tối ưu vận hành diễn ra thường xuyên làm mỏng đi biên lợi nhuận doanh nghiệp và cuối cùng là giảm khả năng cạnh tranh.

…đến những mong muốn giảm lãng phí xã hội của các chuyên gia đầu ngành

VSE (Vietnam Society of Excellence, Hiệp hội vận hành xuất sắc, Việt Nam) là một Dự án Cộng Đồng phi lợi nhuận ra đời mang sứ mệnh chuẩn hoá và nâng cao năng lực vận hành xuất sắc cho các tổ chức và cộng đồng. Với sự hỗ trợ và đồng hành của những thành viên cao cấp từ Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ, VSE hướng tới việc chia sẻ, đào tạo các kiến thức và trải nghiệm từ những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các quốc gia khác dành cho các chuyên gia Việt Nam; tổ chức các hội thảo, chương trình nhằm cải thiện và nâng cao năng lực vận hành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Được sáng lập bởi Tiến sĩ Ngô Công Trường, một trong 40 chuyên gia xuất sắc nhất của Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ, sau nhiều năm ấp ủ, Dự án Cộng Đồng phi lợi nhuận VSE chính thức đi vào hoạt động từ năm 2023 với những hoạt động đào tạo và chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia cho cộng đồng. Các chương trình của VSE có định hướng cao về chất lượng cùng chuyên môn cao về lĩnh vực tối ưu vận hành (Operational Excellence).